Với đa phần người Việt mới qua Mỹ, 5 năm đầu là 5 năm cảm thấy cực khổ nhất.
Về vật chất: Cúi đầu cúi mũi đi cày để sắm sửa tối thiểu cho cuộc sống: 1 chiếc xe để chạy, 1 căn phòng để ở, các sinh hoạt phí đắt xắt ra miếng so với thu nhập lao động tay chân của nguời mới qua.
Về xã hội: mọi thứ xung quanh đều mới lạ, nhất là ngôn ngữ. Giao tiếp coi như bằng không. Bập bẹ tiếng đuợc tiếng mất. Sống trong cộng đồng người Việt thì đỡ lạc lõng, bằng không thì cứ như đang ở hành tinh khác.
Về tinh thần: thử thách nhất thời gian đầu là cảm giác nhớ nhà. Sau đó là buồn chán và cô đơn. Đôi khi tự hỏi “mình đang làm gì ở đây?”. Mặc dù câu trả lời khá giống nhau: vì tương lai con cái, vì môi trường sống, đồ ăn nước uống sạch sẽ, vì kiếm đồng tiền giúp đỡ người thân bên Việt Nam…Nhưng nhìn chung đích đến còn xa vời, hiện tại thì bấp bênh nên lòng người chao đảo, chẳng biết có đang đi đúng đường.
Những cái trên do mình đúc kết qua tiếp xúc và hỏi han những nguời bạn xung quanh, bản thân mình thì hỏng giống vậy.
Dù sớm hay muộn, muốn hay không thì ai cũng phải bước lên vạch xuất phát vào đường đua mưu sinh, con đường tự mình chọn tự mình đi.
Thông điệp muốn gởi gắm ở đây là “biết mình muốn gì và sống vì điều gì thì mọi khó khăn sẽ gắng vượt qua”.
Ở Mỹ sướng với người biết dùng cái thuận lợi của nước Mỹ để làm bàn đạp xây dựng cuộc sống. Không như vậy thì ở Mỹ khổ lắm, về Việt Nam mà sống. Nhưng đọc bài thơ dưới đây của Triệu Minh rồi hãy về nghe.
Ở đâu là nhà?
“Ở đâu trên trái đất cũng vậy thôi
Con người cần có một mái nhà để về
Để ủ đớn đau thành sức mạnh
Để con tim nằm nghe mưa rơi
Ở đâu trên trái đất cũng vậy thôi
Sẽ là nhà với mâm cơm chờ sẵn
Với vòng tay đan nhau mùa giông bão
Với thinh lặng ngọt ngào từ đôi mắt trao
Ở đâu là thiên đường?
Ở đâu là trần tục?
Ở đâu có người ta thuơng
Ở đó ta gọi quê hương.”
Triệu Minh
8/8/17