Trang chủCuộc sốngKhó khăn về tâm lý khi bắt đầu cuộc sống mới tại Hoa Kỳ

Khó khăn về tâm lý khi bắt đầu cuộc sống mới tại Hoa Kỳ

Định cư tại Hoa Kỳ là một sự thay đổi lớn nhất trong cuộc đời của chúng ta & gia đình. Sự thay đổi này bao gồm mọi thứ liên quan đến chúng ta từ nơi ăn chốn ở đến đời sống tinh thần. Sẽ có người cảm thấy mình không bị ảnh hưởng nhiều lắm một khi bắt đầu cuộc sống mới, ngược lại có người mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với môi trường mới. Lại có trường hợp có người sau nhiều nỗ lực để thích ứng thì lại hoàn toàn bỏ cuộc và quay về nước.

Bài viết này chủ yếu đề cập đến vấn đề tâm lý của chúng ta khi bắt đầu cuộc sống mới tại Hoa Kỳ. Bài viết có trích dẫn một số thông tin từ Cục Di trú New Zealand. Toàn bộ quá trình theo lý thuyết kéo dài đến 24 tháng. Tuy vậy, có người lại trải qua toàn bộ quá trình này chỉ trong vòng vài tháng, có người lại mất cả năm trời cho từng giai đoạn.

các giai đoạn tâm lý khi định cư tại Hoa Kỳ

Các giai đoạn tâm lý

Giai đoạn đến trước ngày bước lên máy bay

Cuộc phỏng vấn với đại diện di trú của Phái bộ Hoa Kỳ đã xong, visa đã được in ra và gửi về trong hộ chiếu. Ai nấy đều trong tâm trạng vô cùng hân hoan, đây thực sự là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc với tất cả mọi người khi biết chính xác ngày đoàn tụ tại Hoa Kỳ sau khoảng thời gian chờ đợi dài lâu trong hồi hộp & hy vọng. Có người vui mừng đến mức mất ngủ cả đêm trước ngày bay. Tuy vui đến thế nhưng đây là lúc chúng ta nên tính toán các việc phải làm khi sang đến Hoa Kỳ như hoàn tất thủ tục giấy tờ, học Anh Văn, học lái xe, thi bằng lái xe, tìm việc làm…

Việc tính toán này có thể theo thứ tự như sau:

  • Chuẩn bị hành trang mang sang Mỹ.
  • Kiểm tra trọng lượng và kích thước vali theo đúng yêu cầu của hãng hàng không.
  • Chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết cho việc sinh sống tại Hoa Kỳ.
  • Hoàn tất các thủ tục mua bán hoặc sang nhượng tài sản theo đúng qui định.
  • Chuẩn bị chuyển tiền sang Hoa Kỳ cho mục đích định cư theo đúng yêu cầu của Hoa Kỳ.

Ngoài ra đối với những ai chưa thông thạo tiếng Anh thì đây là giai đoạn vừa vui mừng và có cả lo lắng căng thẳng. Vui mừng thì dễ hiểu nhưng lo lắng căng thẳng thì khó nói hơn. Rõ ràng nhất là việc đi máy bay, đặc biệt là đi máy bay của các hãng hàng không nước ngoài thì lại lo lắng. Nếu phải transit ở một nước trước khi đáp xuống Hoa Kỳ thì lại căng thẳng thêm vì không biết mình phải đi đến cổng số mấy để lên máy bay, hay nếu chuyến bay bị hoãn thì lại không biết. Lý do là tất cả các hãng hàng không đều sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, mà lần đầu tiên bay một hành trình dài từ quê nhà đến Hoa Kỳ thì lo lắng là điều hiển nhiên.

Vậy đâu là cách giúp chúng ta bớt lo lắng khi đi máy bay lần đầu mà lại không rành tiếng Anh? Thật ra chúng ta có thể đăng ký dịch vụ đưa đón của hãng hàng không để nhân viên của họ có thể trợ giúp chúng ta trong lúc ở sân bay hoặc chờ chuyến bay. Đa số các hãng hàng không bay từ quê nhà sẽ có nhân viên nói tiếng Việt để trợ giúp. Ngoài ra chúng ta có thể hỏi các thành viên trong group xem họ có bay cùng chuyến hay không để bớt lo lắng, dĩ nhiên là với ai đó phải thông thạo tiếng Anh.

Giai đoạn bắt đầu ngày đầu tiên đặt chân lên Hoa Kỳ

Dù trải qua một hành trình dài có khi lên đến hơn cả ngày trời nhưng khi máy bay bắt đầu đáp xuống lãnh thổ Hoa Kỳ và lăn bánh vào nhà ga thì khó ai mà quên được cảm xúc lúc đó. Tất cả đều nôn nao và bồn chồn chờ đến lượt mình để lấy hành lý xách để bên trên chỗ ngồi trong máy bay để bước ra khỏi máy bay. Mọi người sẽ lại lo lắng khi biết mình đã thực sự đặt chân đến Hoa Kỳ; hay nói cách khác, chỉ ít phút nữa thôi thì chúng ta sẽ thực sự tiếp xúc với nhân viên của CBP (Customs and Border Protection, tạm dịch là Cục Bảo Vệ Biên Giới và Hải Quan Liên Bang Hoa Kỳ) để hoàn tất thủ tục sau cùng kể từ khi nhận visa tại quê nhà. Nhân viên của CBP lại hoàn toàn nói tiếng Anh. Vậy không ai giúp chúng ta nếu không biết tiếng Anh sao?

Thật ra ở các sân bay nơi có các chuyến bay chở người định cư hợp pháp (legal resident) thì luôn luôn có các nhân viên biết nói tiếng Việt hoặc có thông dịch viên nên chúng ta sẽ không lo lắng. Chỉ cần họ hỏi một câu tiếng Anh mà chúng ta không hiểu là sẽ có người biết nói tiếng Việt giúp chúng ta.

Giai đoạn này vẫn còn đầy hứng thú vì đây là mọi người lần đầu tiên tiếp xúc với cuộc sống mới tại Hoa Kỳ với rất nhiều điều mới lạ, nhiều trải nghiệm mới cũng như tận hưởng cuộc sống mới, tiện nghi mới. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy thực tế đường xá ở thành phố nơi ở như thế nào, trông nó khác hẳn với đường xá tại Việt Nam. Và vô số xe hơi chạy như mắc cửi nhưng lại tuyệt đối chạy đúng theo làn đường của mình và một điều ngạc nhiên lớn nhất đối với chúng ta là hầu như không nghe tiếng còi xe. Thỉnh thoảng có tiếng còi hụ cấp cứu hoặc xe cảnh sát hú còi chạy trong thành phố, khi đó chúng ta sẽ thấy một cảnh tượng hiếm thấy khi còn ở quê nhà đó là tất cả các xe đang chạy đều ngừng lại nhường đường cho xe ưu tiên.

Nhà cửa thì cũng khác hoàn toàn vì toàn bộ chỉ dùng gỗ để xây dựng. Ai bay đến Hoa Kỳ vào mùa Thu thì sẽ thấy thành phố đầy lá vàng, một cảnh tượng khó phai nhạt trong ký ức. Nhưng ai bay đến vào mùa Đông và định cư tại các bang miền Đông Hoa Kỳ hay vùng Mid-West (tạm dịch Trung Tây Hoa Kỳ) thì sẽ thấm thía cái lạnh cắt da thịt cộng với lớp tuyết dày ngoài sân nhà. Có một điểm chung là ngay cả mùa Thu, nhiệt độ cũng khá lạnh so với chúng ta vốn quen sống ở xứ nóng.

Sau đó là những lần đi chợ với người thân hoặc bạn bè, cả chợ Mỹ (Costco, Safeway, QFC…) hay chợ Việt Nam. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy ở chợ Mỹ thì sân đậu xe kích thước khổng lồ chứa cả ngàn chiếc xe hơi cùng lúc. Hàng hóa trong chợ Mỹ lúc nào cũng tràn ngập & ê hề và điểm đặc biệt là luôn luôn có hàng giảm giá. Cầm lên một món đồ thực phẩm, cảm giác đầu tiên là bao bì (packaging) được thiết kế kỹ lưỡng và rất đẹp mắt. Hạn sử dụng luôn được để ý và hầu như chưa bao giờ các chợ trưng hàng hóa hết hạn hoặc sát ngày hết hạn.

Hãy tận hưởng những giây phút mới mẻ đó vì chúng sẽ không quay trở lại. Hơn nữa, trước mắt chúng ta còn nhiều giai đoạn tâm lý khác nhau trước khi bước vào giai đoạn ổn định hoàn toàn về tâm lý. Tuy nhiên, cảm xúc đó không kéo dài mà bắt đầu có chiều hướng lắng xuống. Giai đoạn này bắt đầu kể từ ngày đầu tiên đến tháng thứ 3 ở Hoa Kỳ.

Giai đoạn sợ hãi

Sau thời gian tận hưởng khám phá nhiều điều mới lạ, mọi người bắt đầu bắt gặp các sự việc không như ý muốn. Các trải nghiệm này ngày một nhiều lên và chúng đến từ mọi mặt trong cuộc sống. Một vài ví dụ như sinh hoạt tẻ nhạt & chính xác như đồng hồ khác hẳn cuộc sống nhộn nhịp như ở quê nhà; tìm chưa ra việc làm ưng ý; hay thậm chí là xung đột với người thân trong gia đình đã ở Hoa Kỳ lâu…

Đôi khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng và thèm một tô bún bò bán ở quán quen gần nhà nhưng ở Mỹ, điều này hoàn toàn không xảy ra. Hay nếu ai có thói quen nhâm nhi với bạn bè sau giờ làm buổi chiều thì lại vô cùng thất vọng vì chẳng tìm ra ai có thời gian để cụng ly với mình.

Rồi đến những điều vô cùng vặt vãnh nhưng lại gây ra nhiều phiền toái nhất là trong nhà với người thân ở Mỹ đã lâu như thói quen dậy sớm như thời còn ở quê nhà để pha cữ cà phê sáng. Tiếng ồn lục đục chuẩn bị nước sôi và cà phê lại làm thức giấc ngủ của người thân. Sau đó người thân ra góp ý thẳng là nên làm nhẹ nhàng hoặc pha vào buổi tối hôm trước, thế là xảy ra mâu thuẫn, cảm thấy khó chịu và căng thẳng.

Đây thực sự là giai đoạn thử thách về tâm lý rất lớn. Nỗi nhớ nhà, người thân còn ở quê nhà (nếu có) cộng với các khó khăn trong giai đoạn này làm cho mọi người trở nên khó hòa nhập với cuộc sống mới. Tâm lý bị dao động rất mạnh, tính tình cáu gắt khó chịu với chính người thân trong nhà. Người lớn sẽ bắt đầu cảm thấy thừa thãi ngay trong gia đình. Trẻ em sẽ thu mình lại & khó tiếp thu kiến thức mới tại trường học. Giai đoạn này bắt đầu từ tháng thứ 4 cho đến tháng thứ 9 sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ.

Giai đoạn quyết định

Sau khi trải qua giai đoạn sợ hãi, mọi người sẽ bước đến giai đoạn quyết định. Ở giai đoạn này, trong tư tưởng bắt đầu xuất hiện ý nghĩ bỏ hết tất cả để book vé quay về quê nhà. Tâm trạng lúc này hoàn toàn không còn phấn khích như trước khi lên máy bay mà hoàn toàn là một màu đen ảm đạm. Nếu gặp ai trong cùng hoàn cảnh thì việc đăng ký vé bay về quê nhà chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Lúc này chúng ta cần ngồi lại suy nghĩ cẩn thận về cái được cái mất khi đã đặt chân đến Hoa Kỳ. Thật ra tình hình không hoàn toàn bi quan như chúng ta thấy trước mắt. Ít nhất chúng ta đã bắt đầu làm quen với cuộc sống mới, đã va chạm với những gì mà chúng ta chỉ mới đọc & nghe từ ngày còn ở quê nhà hoặc chưa từng biết qua. Hay nói cách khác, thời gian vừa qua là những trải nghiệm cần thiết nhưng đầy khó khăn. Con người một khi đã rơi vào giai đoạn khó khăn nhất thì chỉ còn cách nỗ lực để vượt lên. Nếu vượt qua giai đoạn này thì việc hội nhập & thành công trên đất Hoa Kỳ chỉ còn là vấn đề thời gian. Giai đoạn này thường diễn ra từ sau tháng thứ 9 đến tháng thứ 15.

Giai đoạn định cư

Giai đoạn này hoàn toàn khác với các giai đoạn trước đó. Chúng ta trưởng thành hơn, không còn nhìn cuộc sống tại Hoa Kỳ qua lăng kính màu hồng nữa. Cuộc sống đã bước vào giai đoạn ổn định, không còn lúng túng khi phải đương đầu với những thử thách ở giai đoạn mới đặt chân đến Hoa Kỳ. Dần dần mọi người sẽ định cư tại quê hương mới. Giai đoạn này diễn ra từ tháng thứ 15 trở đi.

Mọi người có lẽ sẽ thấy mình đang ở vào một giai đoạn nào đó hoặc đã hoàn toàn thoát ra khỏi quỹ đạo tâm lý mà mình chia sẻ. Ở mỗi giai đoạn, dù khó khăn đến mấy thì chúng ta cần sự cảm thông, chia sẻ từ những người thân để vững bước, cũng như chúng ta hãy cảm thông & chia sẻ cho chính những người mới chập chững đến Hoa Kỳ để tất cả cùng mau hòa nhập với cuộc sống mới.

Alexander Nguyen – Luật Di trú và Cuộc sống Mỹ

3 BÌNH LUẬN
  1. Đây là lời vàng bạc của người đi trước, cho nên bạn đọc tham khảo để khỏi ngỡ ngàng ngơ ngác ….và động lực để bạn cố gắng lên khi cảm xúc và tủi thân xuống mức thấp nhất trong cuộc đời thì bạn hãy nhìn đứa con của bạn…những gì nó học tại Mỹ tiến rất xa so với học ở Việt Nam. Nếu ko có con làm động lực, thì hãy nhìn những người ở biên giới Mexico và Mỹ để làm động lực cho mình nhé….

  2. Nó chính xác tới 100% luôn nhé…Có bổ sung thêm một vấn đề nữa là: Trong giai đoạn sợ hãi, bạn có thể khóc 1 mình vì tủi thân, khóc cho số phận, khóc cho vài thứ linh tinh đang xảy ra…và ngày này năm sau…bạn lại mỉm cười chính nơi bạn khóc và tủi 1 năm trước….

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây