Hiến pháp Hoa Kỳ thành lập ba ngành của chính phủ liên bang, làm như vậy để quyền lực được cân bằng. Mỗi ngành có những trách nhiệm riêng biệt. Chúng ta gọi đây là hệ thống kiểm soát và cân bằng.
Điều này có nghĩa không có một ngành nào của chính quyền có thể nắm quá nhiều quyền lực bởi vì nó được cân bằng với hai ngành còn lại.
Ngành Lập Pháp: Quốc Hội
Công dân Mỹ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tự do để chọn người đại diện cho họ vào Quốc Hội Hoa Kỳ. Quốc Hội có trách nhiệm soạn thảo pháp luật cho quốc gia chúng ta. Quốc Hội gồm có Hạ Viện và Thượng Viện.
Hạ Viện Hoa Kỳ
Người dân trong mỗi tiểu bang bỏ phiếu để chọn các Dân Biểu trong Hạ Viện. Có 435 Dân Biểu trong Hạ Viện, thường được gọi là “the House”.
Số Dân Biểu của mỗi tiểu bang tùy thuộc vào dân số trong tiểu bang đó. Các tiểu bang được phân chia thành các quận. Người dân sống trong mỗi quận đi bỏ phiếu cho người đại diện cho quận của họ vào Hạ Viện.
Nhiệm kỳ của một Dân Biểu là hai năm, sau đó người dân có cơ hội khác để bỏ phiếu lại cho Dân Biểu này hoặc cho người khác để đại diện cho họ. Dân Biểu có thể phục vụ vô hạn định trong Quốc Hội.
Có thêm năm đại biểu trong Hạ Viện; đây là những đại biểu của Quận Columbia, khối thịnh vượng chung Mariana Islands, và các vùng lãnh thổ Guam, American Samoa, và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ. Một ủy viên hội đồng nhân dân đại diện cho Puerto Rico.
Hạ Viện soạn thảo luật pháp và có một số trách nhiệm đặc biệt. Chỉ Hạ Viện mới có thể:
- Đề xuất những đạo luật về thuế.
- Quyết định việc một viên chức chính phủ bị tố cáo phạm tội hình chống lại tổ quốc sẽ bị đưa ra xét xử trước Thượng Viện hay không. Quy trình này gọi là truất phế (impeachment).
Thượng Viện Hoa Kỳ
Có 100 Thượng Nghị Sĩ trong Thượng Viện Hoa Kỳ. Người dân trong mỗi tiểu bang bỏ phiếu chọn hai Thượng Nghị Sĩ đại diện cho họ trong Quốc Hội.
Nhiệm kỳ của Thượng Nghị Sĩ là sáu năm, và sau đó người dân có cơ hội khác bỏ phiếu lại cho Thượng Nghị Sĩ này hoặc cho người khác để đại diện cho họ.
Thượng Nghị Sĩ có thể phục vụ vô hạn định trong Quốc Hội. Thượng Nghị Sĩ soạn thảo pháp luật, nhưng họ cũng có những trách nhiệm đặc biệt.
Chỉ Thượng Viện mới có thể:
- Đồng ý hoặc không đồng ý đối với bất cứ thỏa thuận nào mà Tổng Thống ký với quốc gia khác hoặc những tổ chức của các quốc gia khác. Ở đây gọi là hiệp ước.
- Đồng ý hoặc không đồng ý đối với bất cứ ai mà Tổng Thống chọn vào những chức vụ cao cấp, ví dụ như thẩm phán Tối Cao Pháp Viện hoặc những quan chức điều hành các bộ ngành liên bang như Bộ Giáo Dục hoặc Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ.
- Xét xử những quan chức chính phủ bị Hạ Viện truất phế.
Ngành Hành Pháp: Tổng Thống
Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp và chịu trách nhiệm về việc bảo vệ và thi hành pháp luật quốc gia.
Tổng thống còn có nhiều trách nhiệm khác, như là đặt ra chính sách quốc gia, đề xuất những đạo luật tới Quốc Hội, và đề cử những quan chức cao cấp và chánh án Tối Cao Pháp Viện. Tổng thống cũng là người đứng đầu quân đội và có thể được gọi là Tổng Tư Lệnh.
Bốn năm một lần, nhân dân đi bầu Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Tổng Thống chỉ có thể phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ bốn năm. Phó Tổng Thống sẽ trở thành Tổng Thống nếu Tổng Thống qua đời, từ chức, hoặc không thể làm việc được nữa.
Quý vị có thể tìm hiểu về Tổng Thống bằng cách xem trang web của Nhà Trắng
(White House), nơi tổng thống ở và làm việc, tại www.whitehouse.gov.
Ngành Tư Pháp: Tối Cao Pháp Viện
Hiến Pháp đã tạo nên Tối Cao Pháp Viện, là tòa án cao nhất của Hoa Kỳ. Có 9 chánh án trong Tối Cao Pháp Viện. Họ là những “Thẩm Phán” (Justices). Một trong chín thẩm phán được chọn làm Chủ tịch Pháp viện hay Chánh Án (Chief Justice).
Tổng Thống đề cử chánh án trong Tối Cao Pháp Viện và được phê chuẩn bởi Thượng viện, và họ có thể phục vụ suốt đời. Tối Cao Pháp Viện có thể bác bỏ cả luật pháp của tiểu bang và liên bang nếu những đạo luật này mâu thuẫn với Hiến Pháp.
Ngoài ra còn có các tòa án liên bang khác, chẳng hạn như các Tòa Án Quận Hoa Kỳ và Tòa Phúc Thẩm Lưu Động Hoa Kỳ.
Để hiểu thêm về Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, vui lòng truy cập trang web www.supremecourt.gov.
Chính Quyền Tiểu Bang Và Chính Quyền Địa Phương
Ngoài chính phủ liên bang, mỗi tiểu bang có hiến pháp và chính quyền riêng. Mỗi chính quyền tiểu bang cũng có ba ngành: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Người đứng đầu ngành hành pháp tiểu bang được gọi là thống đốc (governor). Người dân trong mỗi tiểu bang bầu ra thổng đốc và người đại diện cho họ vào cơ quan lập pháp tiểu bang.
Cơ quan lập pháp tiểu bang soạn thảo luật để áp dụng trong mỗi tiểu bang. Những luật này không thể đi ngược lại Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ngành tư pháp ở mỗi tiểu bang tuân thủ các điều luật của tiểu bang đó.
Mỗi tiểu bang cũng có những chính quyền địa phương. Có chính quyền thành phố hoặc chính quyền hạt hoặc đôi khi cả hai. Những chính quyền này cung cấp và giám sát nhiều dịch vụ trong cộng đồng địa phương, như là trường công lập, thư viện, cảnh sát và cứu hỏa, cũng như các dịch vụ nước, khí đốt và điện.
Thông thường, nhân dân trong cộng đồng địa phương bầu lên các viên chức chính quyền địa phương, một số viên chức khác thì được bổ nhiệm. Chính quyền địa phương có nhiều loại hình khác nhau. Một số chính quyền địa phương có người đứng đầu của riêng mình; một số chính quyền địa phương khác có hội đồng thành phố hoặc hội đồng hạt. Cộng đồng địa phương cũng có hội đồng giáo dục, là những công dân đã đắc cử hoặc được bổ nhiệm để giám sát những trường công lập.