Trang chủCuộc sốngBán nhà cho người ít tiền. Hãy kiên nhẫn!

Bán nhà cho người ít tiền. Hãy kiên nhẫn!

Có 1 sự thật là người nghèo khó phục vụ hơn người giàu rất nhiều. Cùng 1 căn nhà. Cùng là 1 yêu cầu. Người giàu đưa ra yêu cầu vì muốn tối đa lợi nhuận. Người nghèo đưa ra yêu cầu vì họ muốn tối đa công sức.

Công sức ở đây tạm hiểu là giờ lao động. Ví dụ để kiếm ra $10,000 có những người cần 2 tháng làm việc. Có những người chỉ cần nửa tháng. Hay thậm chí chỉ cần 1 giờ đồng hồ.

Những người nghèo (xin lỗi vì mình dùng từ này nhưng thực sự không biết dùng từ nào khác sát nghĩa hơn) để tích lũy đủ tiền mua căn nhà. Họ đã phải làm lụng cả một đời hay thậm chí 2 đời. Nên các yêu cầu và mong muốn của họ nhiều lắm luôn. Đôi khi nó còn hơi phi lý nữa.

Mình đã thấy qua nhiều bạn khá khó chịu với các tình huống thế này. Nhưng nếu có thể chúng ta hãy kiên nhẫn hơn 1 chút với họ. Họ không phải tham. Chỉ là họ tiếc thôi. Tư duy của người giàu và người nghèo khi mua hàng có 1 điểm khác biệt rất lớn. Người giàu mua 1 món hàng thì họ thấy mình sắp có được thứ mình muốn rồi. Người nghèo mua 1 món hàng thì họ thấy mình sắp mất 1 số tiền rồi.

Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ. Vậy sao họ không đổi tư duy đi. Sao họ không nâng cao năng lực để cũng giàu có đi. Ai cũng có 1 cái đầu mà. Sao người khác làm được mà họ không làm được.

Thật sự điều này không thể. Ai cũng có 1 cái đầu. Nhưng không phải đầu ai cũng giống nhau. Sự cố gằng là quan trọng. Nhưng thiên bẩm cũng là 1 phần quan trọng không kém. Nếu mọi sự cố gằng đều thành công thì những người yêu ca hát đều có thể làm ca sĩ rồi. Nên hãy thông cảm, đồng cảm và kiên nhẫn với họ.

Mình đã từng tiếp 1 khách hàng. 2 mẹ con cô này đi mua căn nhà cũ. Cũng rẻ thôi. Mà cổ yêu cầu nhiều lắm. Bớt chút này chút kia. Nói seller sửa cái cửa, thay cái bồn, thêm ít credit…

Cổ với con gái cổ đi Uber tới coi đất. Mặc bộ đồ vest gụ màu. Rồi khi mà thương lượng cổ nói rất khó chịu. Cứ như muốn át phủ đầu mình vậy.

Nhưng, cái mình nhìn ra là cái khác. Cổ bước đi trong bộ cái áo vest khoác rất trịnh trọng. Giống như bà mình ngày xưa mặc áo dài nhung đi ăn cưới vậy. Lâu lâu mới mặc vào dịp quan trọng.

Rồi những câu từ thương lượng và yêu cầu, tra check cổ nói nó không được tự nhiên. Kiểu như là có ai đó chỉ cho cổ là chị phải nói vầy nói vầy nói vầy nè.

Kết quả cuối cùng thì deal đó mình không thành công do không khớp được yêu cầu của cổ với seller agent.

Nhưng sau đó về. Mình cứ nghĩ mãi về cô này. Mình đi suốt 16 ngày trời để tìm ra được 1 căn nhà nó được lợi hơn 1 chút với số tiền mà cổ có. Mình bớt 1 phần huê hồng của mình vào giúp cổ luôn.

Và rồi cổ mua.

Đến tiệc tân gia nhà. Cổ có kêu mình qua. Nói là tiệc nhưng có 6 người à. 2 mẹ con cổ ( cổ là mẹ đơn thân). Anh bồ con cổ. Mình với thêm 2 người bạn làm cùng chỗ của cổ nữa.

Lúc mà mọi người ngồi vào bàn. Cổ khóc. Khóc to lắm. Như 1 đứa trẻ chứ không phải sụt sùi đâu. Cổ đã đem đứa con của mình phiêu bạt 23 năm rồi. Mướn nhà, trả rent, ở nhờ ở đủ thứ và cuối cùng khi về gần cuối đời thì mới có được 1 chốn ở cho mình.

Sau vụ này mình học được vài điều

  • Những người nghèo. Đôi khi họ rất mặc cảm và làm mọi cách để người ta không biết mình nghèo để khỏi mặc cảm hoặc khỏi bị o ép. Hãy đồng cảm. Không vạch trần cũng không khinh khi
  • Họ yêu cầu nhiều. Nhưng chưa chắc là do họ tham.
  • Có những chuyện mình làm xong dù không có tiền nhưng 1 nỗi niềm, 1 kỷ niệm là vô giá. Cũng không biết phải tâm linh không. Sau giao dịch đó. Công việc của mình thấy nó thuận lợi hơn nhiều.

Thế giới quan của mỗi người được hình thành bởi môi trường sống và những người ta tiếp xúc. Có lẽ do gặp nhiều cảnh đời nên mình vẫn luôn có 1 sự kiên nhẫn và yêu thích đặc biệt. Chúc mọi người an yên với nghề môi giới và có những kỷ niệm đẹp về nghề cho riêng mình.

Link gốc bài viết: https://www.facebook.com/groups/nhacuamy/posts/5124518887637730

Chau Liam Phan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây