Kể chuyện những ngày đầu ở Mỹ

Đây sẽ là những trải nghiệm từ câu chuyện của chính cá nhân em, gia đình và những hoàn cảnh mà em trực tiếp/gián tiếp hỗ trợ, nên đa phần sẽ mang tính cá nhân. Tuy nhiên, em hy vọng rằng chia sẻ này sẽ giúp cho mọi người phần nào đó có thể hình dung ra được, cũng như là nguồn động lực cho những ai sắp sang Mỹ, hoặc mới vừa sang Mỹ.

Ngày mới qua, cái gì cũng lạ

Những ngày đầu, song hành cùng cảm giác hạnh phúc, bồi hồi khi sau bao nhiêu năm chờ đợi để đoàn tụ cùng người thân và đặt chân đến Mỹ, chính là cảm giác lo lắng về tương lai phía trước, khi chúng ta vừa đã từ bỏ quê hương phía sau để bắt đầu một cuộc sống mới với cơ hội mới, nhưng cũng tràn đầy thách thức.

Ngày đầu mới qua, cái gì cũng lạ, cũng khác Việt Nam. Bắt đầu từ những chuyện căn bản nhất là “đi đứng, ăn nói” cũng phải học lại từ đầu. “Đi đứng” ở đây là phải học lái xe hơi, nghe dễ với nhiều người, nhưng không dễ với tất cả. Có những người học rất nhanh, chẳng mấy chốc đã có thể lái phà phà tại Mỹ, nhưng cũng có những người phải mất nhiều ngày, nhiều tháng, tốn tiền học thầy,… mới có thể đậu được bằng lái. Dù sớm hay muộn, cầm được tấm bằng lái trên tay cũng giống như cầm được chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa cho “cuộc sống Mỹ” phía trước. Thế mới thấy lái xe ở Mỹ quan trọng đến thế nào. Và cũng có thể thấy bao nhiêu cơ hội đã bị bỏ lỡ chỉ vì không thể lái xe.

“Ăn nói” ở đây chính là phải cố gắng trau dồi tiếng Anh, một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Đối với các bạn trẻ, việc học một ngôn ngữ mới ở độ tuổi sớm sẽ không phải là một trở ngại gì to lớn. Tuy nhiên đối với các cô chú qua Mỹ sau này, đây không phải là một chuyện dễ. Tuy ở Mỹ có nhiều lớp học ESL miễn phí, việc học tiếng Anh sẽ càng khó hơn khi độ tuổi lớn hơn. Ngoài ra còn nhiều lý do khách quan khác như năng khiếu, hay vòng quay cơm áo gạo tiền,… khiến cho việc học nay đã khó càng khó hơn. Thế nên các bạn trẻ sẽ trở thành phiên dịch “bất đắc dĩ” khi qua Mỹ, và mình hy vọng rằng các bạn sẽ không ngại điều đó, và hãy nhẫn nại với các cô chú hơn. Và một điều em muốn gửi gắm rằng dù tiếng Anh sẽ giúp cuộc sống chúng ta thuận lợi hơn rất nhiều, nhưng nó không quyết định tất cả, và đừng khiến cho điều đó làm nhụt chí bản thân.

Ngoài ra, còn có vô vàn việc khác mà chúng ta sẽ phải học lại từ đầu, hay học lần đầu tiên: đăng ký ngân hàng, đi mua thẻ sim, đi làm giấy tờ, đăng ký trường, v.v. Gia đình em may mắn được hai bác NBL giúp đỡ mọi thứ trong thời gian đầu. Nếu không, cho dù biết tiếng Anh đi chăng nữa, em có lẽ cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu. Mỹ mà, cái gì cũng lạ, cái gì cũng mới. Bởi vậy “người đi trước chỉ người đi sau” là một việc vô cùng đáng quý.

Có giấy tờ rồi, đi làm thôi

(Nội dung sẽ chủ yếu tập trung vào việc làm hãng)

Social về, thẻ xanh về, bằng lái cũng đã có, và Mỹ mà, cũng như mọi nơi, xin việc thôi!
Mà khoan, tiếng Anh không có, bằng cấp không có, làm gì bây giờ, xin ở đâu bây giờ?

Một điều em nhận thấy tại tiểu bang nơi em ở sau qua trình xin việc làm hãng cho gia đình và hỗ trợ nhiều trường hợp khác nhau chính là phải thông qua mối quan hệ, người quen để có thể xin việc làm. Dù em biết và hay thường chia sẻ về những trang xin việc làm như indeed, glassdoor,…. nhưng đối với những công việc lao động và không có vốn tiếng Anh, thì luôn phải nhờ những đồng hương người Việt giúp đỡ để có thể tìm được việc làm.

Xin được việc rồi, đi làm thôi!

Mọi người ở Việt Nam hay nghe từ “làm hãng”, chính là làm trong các hãng xưởng, xí nghiệp, nhà kho,… với đủ các lĩnh vực và vị trí khác nhau. Nào là làm lắp ráp, hàn tiện, nối dây, lắp mạch điện, dây chuyền, v.v. phục vụ cho công tác sản xuất của công ty. Công việc hãng có thể bao gồm nhiều khung giờ khác nhau (ca 1 ca 2 ca 3) chứ không chỉ đơn thuần là sáng tới chiều như công việc văn phòng (9-5). Một tuần căn bản là 40 giờ nhưng ngoài ra có thể làm thêm giờ (overtime) với tiền lương được trả cao hơn (x1.5 hoặc cao hơn).

Hãng thì có hãng tốt, hãng không tốt, có việc nặng, có việc nhẹ hơn, nơi nào cũng vậy. Một cảm nhận cá nhân của em, dựa trên quan sát và nghe kể, thì với tinh thần yêu lao động của nước Mỹ, công việc hãng nhìn cũng “cực”. “Cực” ở đây chính là phải làm dài giờ (trung bình 10 tiếng), thời gian sớm (có nơi bắt đầu từ 3 giờ sáng). Thật lòng mà nói, khi gặp một ai đó, nghe kể về gia cảnh ở Việt Nam trước khi sang Mỹ, đôi khi em tự nghĩ: “Cô/chú ở Việt Nam có lẽ chắc sẽ không cực như vậy.” Và cái sự “cực” ở đây chính là tình yêu lao động, và là sự hy sinh của các bậc phu huynh cho tương lai của con mình. Và một lần nữa, em xin thể hiện sự tri ân và ngưỡng mộ của mình đến với tất cả mọi người.

Vài dòng viết vội

Em viết vội vài dòng này với hy vọng mang lại cho mọi người một góc nhìn chân thực hơn về giai đoạn đầu ở Mỹ. Khó khăn, hay thậm chí nhiều khó khăn, là điều chắc chắn sẽ xảy đến. Tuy nhiên, khi chúng ta đã quyết định rời Việt Nam định cư Mỹ, nghĩa là chúng ta chấp nhận từ bỏ những thứ quen thuộc để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, không nhất thiết cho bản thân các bậc cha mẹ, mà là cho tương lai con cháu. Và em tin rằng, đến cuối cùng, tất cả những khó khăn hay hy sinh ấy sẽ được đền đáp xứng đáng.

Đối với cá nhân em, em cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, tuy nhiên vẫn còn nhiều thứ vốn dĩ có thể tốt hơn,và em không muốn lên kế hoạch quá xa mà tốt nhất sẽ từng bước từng bước. Vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước để có thể bước tiếp, và em biết rằng tất cả chúng ta sẽ cùng nhau đồng hành trên chặng đường này.

Võ Kiến Thành – Luật Di trú và Cuộc sống Mỹ

Chia sẻ
Sáng lập website Người Việt USA. Mong muốn của tôi là chia sẻ thông tin về cuộc sống người Việt ở Hoa Kỳ và các tin tức liên quan. Các kinh nghiệm cho người mới đến Hoa Kỳ định cư.

BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận
Tên của bạn là gì?