Tản mạn về nghề y tá ở Mỹ

Nghề y tá, ở Việt Nam sau này gọi là nghề điều dưỡng. Ở Mỹ gọi là Registered Nurse, có thể học hệ cao đẳng 2 năm hoặc hệ cử nhân 4 năm. Đối với hệ cử nhân (BSN- Bachelor of Science in Nursing) là chương trình cử nhân gay go nhất so với các nghề nghiệp cùng hệ cử nhân khác. Số lượng bài kiểm tra của lớp chuyên ngành và số lần thi sát hoạch rất nhiều và cam go.

Để đủ tiêu chuẩn nộp đơn vào chương trình chuyên ngành thì sinh viên phải trải qua các lớp bắt buộc về trình độ của hệ chuyên ngành. Nhất là sinh viên người gốc Á nói chung và người Việt nói riêng, luôn phải giữ GPA ở hàng top thì bộ hồ sơ mới lọt qua vòng gửi xe. Trong quá trình đã vô chuyên ngành, ở trường của mình và rất nhiều trường khác, chỉ cho phép số lần rớt lớp là một lần. Nếu rớt lần thứ nhì thì coi như xong phim. Sinh viên sẽ bị đuổi khỏi chương trình, và đến 5 năm sau mới được đăng ký học lại từ đầu.

Khi đã thi đậu tốt nghiệp, phải trải qua kỳ thi lấy bằng hành nghề-NCLEX. Phải thi đậu thì mới được phép đi làm. Đây lại là một khoảnh khắc căng thẳng khác. Mình cũng như nhiều sinh viên khác, đều có tiền nợ học (student loan). Khoảng sáu tháng sau khi tốt nghiệp thì bill sẽ về. Vì vậy, sống chết phải lấy cho được bằng hành nghề để đi làm trả nợ.

Nghề y tá ở Mỹ là một trong những nghề được coi trọng. Đặc biệt mấy anh police officer lỡ mà có nhá đèn xe nào vượt quá tốc độ, mà người lái xe mặc scrub và nói với ảnh là “em là y tá ở level 1 trauma hospital trong vùng” Ảnh sẽ nhắc nhẹ và cho đi liền.

Nếu so với các nghề khác, nghề y tá rất dễ xin việc. Đi đến đâu cũng có cơ hội đi làm. Thời dịch bệnh đổ ra, nhiều nghề khác bị thất nghiệp. Nghề y tá vẫn phải đi làm 365 ngày, dù mưa gió hay bão bùng. Mình chuyển nhà qua tiểu bang khác. Thời gian xin việc chỉ vỏn vẹn 2-3 tuần là hoàn tất mọi thủ tục từ phỏng vấn cho đến ngày chụp hình ID badge để đi làm.

Nhiều người đồn nghề y tá làm lương cao. Điều này cũng đúng. Vì có những tiểu bang lớn trả lương cao như California hay New York, lương có thể lên đến 6 số nếu RN chịu làm thêm giờ. Ngoài ra, làm travel nurse thì lương lúc nào cũng cao hơn người làm local x3. Mình có người quen, trong hai năm đại dịch vừa qua, làm travel nurse đã ôm về 1/2 million sau thuế. Bạn ấy đã giải nghệ RN và mua lại một nhà hàng để kinh doanh.

Tiền nào của nấy. Rất nhiều người nghĩ đơn thuần công việc của y tá chỉ đưa thuốc cho bệnh nhân là xong! Nhưng thật ra, mỗi một ca là những trải nghiệm mà các bạn ngoài ngành thật sự không hề muốn trải qua.

Y tá chính là đôi mắt và đôi tai của bác sĩ. Vì chỉ có y tá mới chăm sóc gần nhất cho bệnh nhân. Có những biến chứng, từ những kết quả xét nghiệm hoặc thể chất của bệnh nhân, y tá sẽ là một trong những người phát hiện đầu tiên.

Bệnh nhân có thể từ đang nói cười, rồi bỗng chốc khó thở, ngất xỉu trong tích tắc, tim ngừng đập…Y tá sẽ là người đầu tiên thực hiện cấp cứu CPR cho bệnh nhân. Nếu code xong, bệnh nhân qua khỏi thì cả team vui mừng lắm! Nhưng nếu bệnh nhân không qua khỏi, thì đó sẽ là những khoảnh khắc nặng nề theo sau. Bệnh nhân có thể nổi cơn điên, chửi mắng hoặc quăng vào y tá bình nước tiểu của họ trong cơn ghiền thuốc giảm đau. Bệnh nhân khóc lóc vì sợ hãi, thì cũng chính y tá lại là người vỗ về và quan tâm.

Trong đợt dịch Covid, có lẽ là khoảng thời gian có số bệnh nhân qua đời nhiều nhất mà mình từng chứng kiến. Rất nhiều y tá, đã từng là người duy nhất nắm tay bệnh nhân để họ không ra đi trong cô đơn. Nhiều y tá trước và sau đại dịch, đã giải nghệ hoặc bỏ chạy khỏi những bệnh viện vì chấn thương tinh thần lẫn thể chất.

Điều gì vẫn giữ được chân những y tá, dù trải qua những trải nghiệm kinh hoàng, nhưng vẫn chọn đi tiếp con đường này? Mình chủ quan cho rằng niềm đam mê công việc và tiền lương. Bởi không có hai điều này, sẽ khó để chúng mình đi tiếp. Nếu không có đam mê thì rất dễ cay đắng, và bất cứ ai cũng muốn sức lao động của mình được đánh giá đúng. Nếu có cơ hội chọn lại nghề nghiệp. Mình vẫn chọn theo học và làm nghề y tá. Dù trước đó, mình đã từ một nghề hoàn toàn không liên quan chuyển sang nghề y tá.

Một bệnh nhân từng nói với mình rằng, khi nhập viện họ cần một y tá tốt và có tâm, hơn là một bác sĩ giỏi mà không biết quan tâm đến bệnh nhân. Đó là điều mà mình và các bạn đồng nghiệp theo đuổi và vẫn bước chân tiếp tục trên con đường này.

Hien-Anh Le RN

6 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết hay quá chị.

    Dễ gặp Y tá tận tâm hơn là gặp bs tận tâm. Nhưng cũng có ít Y tá chả thân thiện gì. Y tá bị trên đe, dưới búa nên cần bệnh nhân thông cảm nhiều hơn.

  2. Hồi đó h em chỉ biết Y tá làm nhiều tiền. Nhưng nói thiệt ko quang tâm và nể mấy. Nhưng tù lúc cha em bệnh, trải nghiệm khá nhiều ở bệnh viện thì em mới hiểu y tá cực cỡ nào. Ko biết ở vn thế nào, chứ y ta bên này lúc nào cũng ngọt ngào dịu dàng ko cả với bệnh nhân, mà đến với ngừoi nhà bệnh nhân.

    Y tá không những cho thuốc, mà còn phải làm nhiều ko dính liếu đến chuyên môn khác như thay ra giường, thay áo gown cho bệnh nhân, hoặc là thay tả. Bệnh nhân có gì, ngừoi đầu tiên bệnh nhân kêu là y tá nên đủ việc hết.

    Sau mấy kì “nghỉ” ở bệnh viện bất đắc dĩ này, em rất quý và nể trọng y tá. Nói thiệt chứ nếu ai mê tiền nên học nghề thì nên kiếm ngành khác đỡ vất vả hơn rất nhiều. Chứ nếu làm y tá mà ko có tình thương, em nghĩ chắc ko bám nghề lâu được.

  3. Bản thân em luôn cảm thấy biết ơn và khâm phục các anh chị làm y tá, 1 phần vì công việc và trách nhiệm của mọi người và 1 phần lớn là vì attitude, phải đối diện với đủ thể loại người và người với đủ thể loại bệnh nhưng luôn giữ tinh thần lạc quan và thân thiện dễ gần. Cám ơn các anh chị nhiều ❤️❤️❤️

  4. Một bài viết hay và chân thật. Từng có ý định bước chân vào nghề này vì rất thích nhung đã không thành vì cuộc sống gia đình.

  5. Chị nói đúng nè. Làm y tá vừa phải yêu nghề với tiền lương mới có thể trụ lại. Em nằm bv 1 thời gian, lúc đó em bị liệt một chỗ ko cử động đc mà em ko có người thân chăm sóc em do dịch Covid. RN và CNA là 2 người chăm sóc em hàng ngày. Nên em quý trọng ai làm y tá lắm.

  6. Mình cũng là RN. Đọc bài của bạn thì rất đồng cảm. Đúng là niềm đam mê cộng với tiền lương. Nhưng cũng may là từ lúc Covid thì nghê y tá mới được quý như vậy chứ trước đây lương y tá rất thấp mà còn ko được coi trọng. Mình cũng hi vọng bệnh viện sẽ trả lương y tá cao hơn trong những năm tới để improve nurse Retention.

BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận
Tên của bạn là gì?