Thanksgiving tức Lễ Tạ Ơn, bởi vì nó là một trong ít những ngày lễ thế tục, ấm áp tình gia đình, cho tất cả mọi người, không phụ thuộc vào đức tin, tín ngưỡng, màu da.
Thanksgiving ở Mỹ rơi vào ngày thứ năm lần thứ tư của tháng 11, chứ không phải là ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 như nhiều người lầm lẫn (ví dụ trong tháng 11 năm 2012, có đến 5 ngày thứ Năm).
Ở Canada, thu hoạch mùa màng sớm hơn nên ngày lễ Thanksgiving được tổ chức vào ngày thứ Hai lần thứ hai của tháng 10. Ở Ba Lan từ năm 2008 mới có ngày Lễ Tạ Ơn (tiếng Ba Lan: “Dzień Dziękczynienia”), cử hành vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 6.
Tuy nhiên, ngày lễ Tạ ơn ở Ba Lan là lễ Công giáo nên không khí chung không phổ biến như Thanksgiving ở Mỹ và những người không theo đạo Công giáo ít ai biết tới.
Đối với nhiều người Mỹ, lễ Thanksgiving là thời điểm để con người tỏ lòng biết ơn và cảm tạ những gì Trời-Đất đã ban cho đời sống, cả về vật chất lẫn tinh thần, bên một bữa ăn tối thịnh soạn trong không khí sum họp thân ái của gia đình và bạn bè.
Nguồn gốc Thanksgiving
Không có sự đồng thuận về ngày và địa điểm của lễ Thanksgiving đầu tiên tại Mỹ, nhưng có tư liệu cho thấy hình thức lễ Thanksgiving diễn ra vào ngày 8/9/1565 tại khu vực mà ngày nay gọi là Saint Augustine, đuợc xem là thành phố của người Âu châu cổ nhất trên lục địa Mỹ, thuộc Florida. Điều này trái ngược với các nhà khoa học có truyền thống xác định lễ Thanksgiving đầu tiên được tổ chức tại Plymouth Colony, bang Massachusetts, nằm ở Đông Bắc Mỹ, vào năm 1621.
Vào khoảng thế kỷ 16-17 những thành viên của dòng Thanh giáo bị hoàng đế Anh quốc bỏ tù vì không chịu cải đạo để theo tôn giáo của triều đình. Sau khi giam cầm họ một thời gian, Hoàng đế hỏi lại lần nữa, nhưng họ vẫn quyết từ chối. Lúc đó, Hoàng đế phán quyết rằng, nếu không theo điều kiện của ông thì họ không bị giam giữ tiếp tục nhưng phải rời khỏi Anh quốc.
Thoạt đầu những người ly khai di chuyển tới Hà Lan, nơi họ được hưởng sự khoan dung tôn giáo hơn, nhưng cuối cùng họ thất vọng về cách sống ở đây, xem nó như là xứ sở vô thần. Vì thế, họ muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở nơi khác. Họ đàm phán với một công ty tài chính thương mại London về một cuộc hành hương đến đất Mỹ.
Những người hành hương vượt Đại Tây Dương qua Mỹ bằng con thuyền có tên là Mayflower và đặt chân tới Plymouth Rock, thuộc Massachusetts, vào ngày 11/12/1620, đúng vào lúc mùa đông khắc nghiệt. Sau mùa Đông này, 46 người trong tổng số 102 cùng đi trên thuyền Mayflower, đã chết. Nhưng may mắn thay, họ đã được thổ dân Da Đỏ tốt bụng giúp đỡ lương thực, hạt giống, và chỉ dẫn cho cách trồng hoa màu, săn bắt thú… Họ giao tiếp với thổ dân thông qua Squanto, một người Da Đỏ biết tiếng Anh nhờ có những tiếp xúc trước đó với lữ khách người Anh. Ngay trong năm 1621 những người hành hương đã gặt hái một vụ thu hoạch tốt. Vì thế họ quyết định mở tiệc ăn mừng với 91 người Da Đỏ của bộ lạc Wampanoag, đứng đầu là tộc trưởng Massasoit, những người đã cứu họ sống sót trong năm lập nghiệp đầu tiên khó khăn, gian khổ. Bữa tiệc ăn mừng này trùng hợp với ngày lễ thứ năm trong 6 lần của lễ tạ ơn của bộ tộc Wampanoag kéo dài ba tuần từ 21 tháng 10 đến ngày 11 tháng 11 năm 1621.
Từ đó về sau, hằng năm những người hành hương và con cháu giữ tập quán tổ chức lễ tiệc tạ ơn để cám ơn những gì tốt đẹp đã đến với cuộc sống của họ.
Năm 1863, Tổng thống Abraham Lincoln công bố Thanksgiving là ngày lễ quốc gia, lấy thời điểm nói trên làm mốc chọn ngày cho lễ Thanksgiving.
Thanksgiving – Ý nghĩa cho tất cả
Mặc dù không phải là ngày lễ tôn giáo, các giáo xứ Công giáo ở Mỹ kỷ niệm Thanksgiving theo những cách thức khác nhau. Nhiều nhà thờ trên khắp nước Mỹ làm lễ tạ ơn sự ân sủng của Thiên Chúa. Chính quyền địa phương, các tổ chức từ thiện, nhà thờ và các nhóm tình nguyện thường tổ chức trong ngày lễ bữa ăn tối miễn phí cho những người nghèo, vô gia cư, hoặc sống cô đơn.
Với đa số người Mỹ, Thanksgiving đồng nghĩa với bốn ngày nghỉ của “long weekend”, là cơ hội dành tình cảm cho gia đình, tương tự như những ngày Tết ở Việt Nam. Đây là một trong những khoảng thời gian có nhiều người Mỹ đi lại nhất trong năm, gây ùn tắc giao thông trên các xa lộ, còn các sân bay trở nên bận rộn nhất. Người ta ước tính hàng năm vào dịp này có hàng chục triệu người Mỹ di chuyển trên xe bốn bánh và khoảng một chục triệu khác đi bằng máy bay, cho mục đích thăm nhà và người thân.
Không giống như các ngày lễ Halloween, Fourth of July (Ngày Độc lập) và Labor Day (Ngày Lao động) diễn ra trong không khí sôi động ngoài trời, lễ Thanksgiving được tổ chức tại nhà, trong khuôn khổ gia đình và bạn hữu gần gũi nhất. Giống như không thể thiếu bánh chưng trong ngày Tết của người Việt, hay món cá chép nấu đông của người Ba Lan trong bữa ăn tối mừng Chúa giáng sinh, món ăn bắt buộc của người Mỹ trong ngày Lễ Thanksgiving là gà tây nhồi nướng (deep fried turkey) ăn với khoai tây, cùng với các món làm từ bí ngô, rau quả theo mùa và của địa phương. Thực đơn có thể có thêm thịt nguội, đậu nướng, các món tráng miệng phổ biến như bánh táo, bánh bí ngô (pumpkin pie) ăn kèm với kem.
Theo tập quán của người bản xứ, Người Việt sống ở Mỹ mừng Thanksgiving cũng ăn gà tây nướng, nhưng thường bổ sung “sáng tạo” những món ăn Á châu theo ý thích của từng nhà.
Ngày Lễ Thanksgiving là ngày mà ai cũng thoả sức đánh chén, sau đó cả chân và tay đều lười biếng cử động vì… no nê!
Trong dịp Lễ Thanksgiving, người Mỹ có cơ hội xem cuộc tuần hành lớn nhất tại Mỹ “Macy’s Thanksgiving Parade” tại thành phố New York, diễn ra trên các đường phố của khu Manhattan, với chương trình thả bóng bay, thu hút hàng triệu cư dân New York xem trực tiếp và hàng chục triệu khán giả trước màn hình nhỏ.
Những người hâm mộ thể thao và đặc biệt là bóng đá Mỹ (bóng bầu dục), được xem những trận đấu hấp dẫn của các đội chuyên nghiệp nổi tiếng. Những trận đấu này thường có số người theo dõi nhiều nhất trong mùa giải của “National Football League”. Sau một bữa ăn tối phủ phê, người xem bóng đá la hét cổ vũ cho đội ưa chuộng, tiêu bớt năng lượng đã nạp quá nhiều.
Vào dịp Thanksgiving, trong khi con người vui mừng đón lễ thì hàng chục triệu chú gà tây kém may mắn, kết thúc số phận của mình bằng món ăn chính trên bàn tiệc trong ngày lễ.
Người ta ước tính trước lễ Thanksgiving khoảng 45 triệu chú gà tây bị khai tử. Người Mỹ hào phóng chi cho bữa ăn tối trong ngày lễ khoảng 600 triệu USD. Từ nhiều năm nay, trong dịp lễ thường có chiến dịch “Farm Sanctuary” kêu gọi mọi người ăn chay, cứu động vật.
Hàng năm, theo truyền thống, Tổng thống Mỹ sẽ ân xá cho hai chú gà tây, hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo là phóng sinh, cứu chúng thoát khỏi cái chết với ý nghĩa biểu tượng, nhưng đồng thời cũng là biểu tượng của Hoà bình và Tự do.
Truyền thống ân xá gà tây do Harry Truman, Tổng thống Mỹ thứ 33 (1945-1953) đặt ra từ hơn 60 năm nay. Nghi lễ này được tổ chức tại Toà Bạch Cung, với sự tham dự của càc thành viên trong gia đình tổng thống và nhiều khách mời.
Ngay sau Lễ Thanksgiving có một ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) cũng rất náo động và ấn tượng. Ngược lại với Việt Nam hàng hoá thuờng bị nâng giá cao trong những ngày Lễ Tết, thì ở Mỹ, vào dịp Thanksgiving các đại siêu thị đua nhau quảng cáo trên truyền hình, báo, đài phát thanh cho đủ loại sản phẩm hạ giá đặc biệt, nhiều mặt hàng thấp hơn giá sản xuất. Một số cửa hàng mở cửa từ 4 giờ sáng. Thanh niên, sinh viên í ới hò hẹn nhau đi xếp hàng từ lúc tờ mờ sáng, thậm chí dựng lều bạt ngủ qua đêm trước các cửa hàng, với hy vọng sẽ là người đầu tiên mua được món hàng mong muốn với giá hời không có cơ hội thứ hai và số lượng hạn chế. Trước giờ mở cửa, nhất là trước các cửa hàng máy móc điện tử và thiết bị gia dụng, những người kiên nhẫn xếp hàng dài ngoẵng. Liên đoàn Thương mại Mỹ ước tính có hơn 100 triệu người Mỹ đi sắm đồ trong ngày “Black Friday” và bỏ ra hàng chục tỷ đô la.
Thanksgiving còn được xem là khởi đầu của mùa nghỉ (Holiday Season) bởi vì tiếp sau nó là lễ Chúa Giáng Sinh (Christmas Day) và kết thúc vào ngày đầu năm mới (New Year).
Giai đoạn từ lễ Thanksgiving tới mùa Chúa Giáng Sinh, kéo dài gần một tháng. Cả nước Mỹ có bầu không khí vui nhộn khác hẳn, nhà ở và các cửa hàng được trang trí đa dạng, đẹp mắt. Ở bang Georgia, từ sau Thanksgiving vào các buổi tối cuối tuần có thể thấy dòng xe hơi chạy chầm chậm nối đuôi nhau nhiều cây số từ khắp nơi đổ về làng “Lake Lanier Islands” để thưởng ngoạn nghệ thuật trang trí trong mùa Chúa Giáng Sinh. Dọc hai bên đường đi, cây cối, bãi cỏ, mặt hồ của làng “Lake Lanier Islands” được trang trí rực rỡ bằng đủ các loại đèn màu nhấp nháy, kết nối nhau trong muôn hình muôn dạng, cho ta cảm giác như lọt vào thế giới kỳ ảo của ánh sáng.
Nguồn: O Bảy